CÁC BỆNH XƯƠNG KHỚP THƯỜNG GẶP

CÁC BỆNH XƯƠNG KHỚP THƯỜNG GẶP
Ngày đăng: 09/06/2021 11:19 PM

    I. Các bệnh xương khớp thường gặp:

    1. Thoái hóa khớp

    Thoái hóa khớp (còn gọi là viêm xương khớp do thoái hóa) là tình trạng tổn thương sụn, xương dưới sụn và giảm thiếu chất lượng dịch khớp.Bình thường, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng và cấu trúc xương dưới sụn ổn định. Khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì, nặng hơn có thể trơ ra đầu xương dưới sụn; đồng thời, vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng tấy.

     

    thoai-hoa-khop

     

    Nguyên nhân của thoái hóa khớp:

    - Nguyên phát: thường gặp ở người lớn tuổi, có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp. Ngoài ra, yếu tố di truyền, nội tiết và chuyển hoá (béo phì, mãn kinh, tiểu đường...) cũng làm gia tăng thoái hóa khớp.

     

    vo-chong-minh-hat

     

    - Thứ phát: gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nguyên nhân có thể do sau chấn thương khiến trục khớp thay đổi, bất thường trục khớp bẩm sinh hoặc sau các tổn thương viêm khác (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gout), chảy máu trong khớp - bệnh Hemophilie...

    Triệu chứng của thoái hóa khớp

    Thoái hóa khớp phát triển âm thầm nên ở giai đoạn đầu hầu như không có dấu hiệu. Khi xuất hiện triệu chứng, khớp đã bị tổn thương, thường gặp như sau:

    - Đau: ở vị trí khớp bị thoái hóa, thường xuất hiện và tăng nặng khi vận động hay thay đổi tư thế. Đau nhiều khi tăng cân, đặc biệt đau ở khớp gối, khớp háng, khớp gót chân - những khớp gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Thường xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm, sau đó lại xuất hiện đợt khác. Đau nhiều có co cơ phản ứng.

    - Vận động khó khăn, đi lại khập khiễng do đau khớp háng, khó cử động cổ - đau mỏi vùng sau gáy lan đến cánh tay, tay không cầm nắm được...

    - Cứng khớp vào buổi sáng hoặc ngồi lâu, thường kéo dài dưới 30 phút.

    - Khớp kêu lạo xạo, lục cục mỗi khi co duỗi, thường đi kèm với cơn đau.

    - Khớp tê, sưng, biến dạng, teo cơ. Đây là những dấu hiệu chứng tỏ sụn khớp - xương dưới sụn bị tổn thương nghiêm trọng, thường gặp như: đầu gối lệch trục, ngón tay trở nên gồ ghề và cong, ngón chân cứng và cong veo.

     

    trieu chung thoai hoa khop

     

    Các khớp xương dễ bị thoái hóa

    - Khớp gối: rất phổ biến vì đây là khớp chính để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối; khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống; ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, tê chân, biến dạng ở khớp gối.

    - Khớp háng: có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Triệu chứng thường gặp như: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối.

    - Khớp ngón tay, bàn tay: các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó có thể hình thành các nốt cứng trên các khớp khiến ngón tay trở gồ ghề, cong vẹo.

    - Cột sống thắt lưng: Là tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân. Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy. Sau đó, cơn đau sẽ dần dần kéo dài cả ngày, tăng lên khi làm việc nhiều.

    - Cột sống cổ: Người bệnh có cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay ở bên có dây thần kinh bị ảnh hưởng.

    - Khớp bàn chân: Vị trí thường gặp nhất là gốc của ngón cái, gây cứng khớp hoặc biến dạng, cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

    - Khớp gót chân: Người bệnh thường có cảm giác bị thốn ở gót vào buổi sáng, khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên.

     

    cac khop xuong de bi thoai hoa

     

    2. Một số bệnh xương khớp khác

    Bệnh viêm khớp dạng thấp: là một bệnh lý khớp mãn tính thường gặp, đồng thời là một bệnh tự miễn điển hình, khả năng gây tàn phế cao. Biểu hiện đặc trưng: viêm màng hoạt dịch ăn mòn ở các khớp ngoại biên, đối xứng, diễn biến kéo dài, tiến triển từng đợt, xu hướng tăng dần, dẫn đến tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp, dính khớp và mất chức năng vận động.

    - Bệnh viêm khớp phản ứng: được đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp tiếp theo sau tình trạng nhiễm trùng. Biểu hiện viêm có thể từ một đến vài khớp, thường gặp các khớp lớn ở hai chân, cột sống, khớp cùng chậu, viêm các điểm bán gân, viêm dây chằng.

    - Hội chứng đau thắt lưng: là hội chứng xương khớp hay gặp nhất, đau do nguyên nhân cơ học hoặc do một bệnh toàn thân chiếm khoảng 65-80% người lớn và 10% số này bị chuyển thành đau mãn tính.

    - Đau thần kinh tọa: được biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa, đi từ cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Thường gặp đau một bên, ở lứa tuổi lao động (30-50 tuổi). Nguyên nhân thường gặp là do thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống thắt lưng gây hẹp ống sống thắt lưng. Các nhóm nguyên nhân này có thể kết hợp với nhau.

    - Hội chứng cổ - vai - cánh tay: biểu hiện thường gặp là đau vùng cổ, vai và một bên tay, kèm theo một số rối loạn cảm giác và/hoặc vận động. Nguyên nhân thường gặp nhất là do thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa các khớp liên đốt - liên mỏm bên và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

    - Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi: là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do bị thiếu máu nuôi phần trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng, dẫn đến tàn phế.

    - Bệnh Gout: là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các khớp, gây tổn thương mô sụn.

    - Loãng xương: là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương gây tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Sức mạnh của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng (mật độ khoáng của xương - BMD, khối lượng xương - BMC) và chất lượng (thể tích xương, vi cấu trúc của xương và chu chuyển xương).

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Tri Ân
    Zalo
    Hotline